Hiện nay, táo bón là căn bệnh phổ biến nhất trong những bệnh lý về đường tiêu hoá. Nhiều người tự nhận biết được căn bệnh này bởi nó có những biểu hiện rõ ràng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc điều trị dứt điểm táo bón gặp khó khăn khi bản thân người bệnh không có những thay đổi trong cách sinh hoạt.
Khái niệm:
Từ trước đến nay, táo bón có nhiều định nghĩa khác nhau. Có thể hiểu đơn giản táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật.
Thông thường ở người lớn, biểu hiện của táo bón là việc không đi đại tiện quá 3 ngày. Ở trẻ em, không thể đi đại tiện 3 lần/tuần thì được coi là táo bón. Trong việc chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm: táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
Nguyên nhân:
Những đối tượng dễ bị táo bón là người già, phụ nữ/phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ. Việc phân chia nhóm táo bón dựa trên sự khác nhau về nguyên nhân.
Đối với táo bón nguyên phát, nguyên nhân nằm ở cơ chế hoạt động của nhu động ruột và chức năng sàn chậu. Táo bón do nhu động hoạt động kém phổ biến ở nữ giới với các triệu chứng là chướng bụng, đầy hơi và ít có nhu cầu đại tiện. Táo bón do rối loạn cơ chế tống phân, xuất phát từ cơ thắt, cơ vòng hậu môn có vấn đề trong khi nhu động vẫn bình thường thì rất khó phát hiện trong quá trình khám.
Rối loạn chức năng sàn chậu là do các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ cho các cơ quan ở vùng sàn chậu nằm đúng vị trí của chúng. Hậu môn, trực tràng cũng nằm trong số các cơ quan bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng táo bón. Đặc trưng của táo bón do nguyên nhân này là rặn nhiều, đại tiện không hết phân, phải cần hỗ trợ mới tống phân ra ngoài hết được.
Táo bón thứ phát do nhiều nguyên nhân hình thành. Tiêu biểu là do chế độ ăn uống, sinh hoạt, tác dụng phụ của một số thuốc, mang thai hoặc mắc các bệnh lý thực thể và toàn thân khác. Trong đó, chế độ ăn uống thiếu chất xơ, nhiều đạm động vật kèm với lười vận động khiến cho căn bệnh này trở nên phổ biến vì cuộc sống hiện đại hối hả với sự ra đời của thức ăn nhanh và thực phẩm công nghiệp.
Ảnh hưởng:
Táo bón là bệnh thường gặp và mỗi người sẽ mắc phải ít nhất 1 lần trong đời. Trong thời gian ngắn, táo bón sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Người bệnh sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng do khó chịu và mệt mỏi. Việc ăn uống sa sút vì không thể bài tiết và câu chuyện đại tiện trở thành nỗi ám ảnh. Táo bón mãn tính có nguy cơ dẫn tới các bệnh khác như trĩ, rách da ở hậu môn (nứt hậu môn), phân không thể tống ra ngoài được (phân áp lực),sa trực tràng…
Đối với trẻ em, táo bón kéo dài làm giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và trí não. Trẻ cũng thường xuyên quấy khóc do khó chịu và ảnh hưởng đến người xung quanh.
Cách phòng tránh:
Cũng như trĩ, táo bón là “nỗi lòng khó nói” của nhiều người. Để tránh vướng phải điều này, bạn nên có những thói quen lành mạnh trong sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống. Dưới đây là một số cách phòng tránh táo bón mà bạn có thể tham khảo:
Ăn nhiều rau củ quả và uống nhiều nước. Đầu tiên, bạn cần tăng cường thêm các loại thực phẩm rau củ quả có nhiều chất xơ vào trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế các loại đồ ăn sẵn đóng hộp, các loại sản phẩm từ sữa và thịt, vì chúng là thực phẩm có hàm lượng đạm cao dễ gây táo bón. Uống đủ nước mỗi ngày là cách hữu hiệu để phòng tránh táo bón.
Tăng cường vận động. Vận động mỗi ngày giúp tăng nhu động ruột, phục hồi và tăng cường chức năng tiêu hóa của ruột một cách hiệu quả. Các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp, yoga, chạy hay bơi lội có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Mỗi ngày vận động từ 30 phút trở lên sẽ giúp bạn đánh bay nguy cơ táo bón.Đi vệ sinh đúng giờViệc này nghe có vẻ buồn cười nhưng đây thực sự là thói quen tốt cho hệ tiêu hoá và bài tiết. Thói quen này sẽ tạo nên đồng hồ sinh học của việc đại tiện, từ đó cơ thể sẽ tự động đào thải phân vào đúng giờ. Thời gian đi vệ sinh tốt nhất là sau khi ngủ dậy, trong khoảng 5-7 giờ vì đây là thời điểm thải độc tốt nhất của ruột. Bên cạnh đó, trong quá trình đi vệ sinh, bạn không nên ngồi quá lâu và cố gắng rặn. Điều này gây ảnh hưởng đến cơ thắt, cơ vòng hậu môn và rất dễ gây trĩ.
Xem lai thuốc điều trị đang sử dụng. Một số loại thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac), thuốc chứa codein và morphin, thuốc chống co giật… có thể gây táo bón. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ này cần tham vấn với bác sĩ để tìm cách khắc phục.